Hướng dẫn cách tính giá nhập khẩu
Theo chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho – Số 02 (VAS 02)” của Việt Nam, giá thực tế của hàng nhập khẩu được xác định theo giá gốc, là giá được tính theo số tiền hoặc tương đương tiền đã trả, phải trả để có được số hàng nhập khẩu.
Công thức xác định giá của hàng nhập khẩu như sau:
Giá thực tế của hàng nhập khẩu (giá gốc) | = | Giá mua của hàng nhập khẩu (Ghi trên hóa đơn) | + | Các khoản thuế không được hoàn lại | – | Các khoản giảm giá, chiết khấu thương mại | + | Chi phí phát sinh khi mua hàng nhập khẩu |
Các chỉ tiêu trong công thức tính giá hàng nhập khẩu được khái niệm như sau:
Giá mua của hàng nhập khẩu (Ghi trên hóa đơn): Là giá hàng mua về được ghi trên hóa đơn bán hàng (hóa đơn GTGT) mà doanh nghiệp nhận được (đã được quy đổi ra tiền VNĐ theo tỷ giá hối đoái thực tế).
Các khoản thuế không được hoàn lại theo quy định hiện hành, bao gồm:
- Thuế nhập khẩu
- Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)
- Thuế bảo vệ môi trường
- Thuế GTGT hàng nhập khẩu (trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc hàng nhập về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không chịu thuế).
Các khoản giảm giá, chiết khấu thương mại là gì?
- Chiết khấu thương mại: Là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng khi mua hàng của DN với khối lượng lớn.
- Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa của Doanh nghiệp bán ra kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.
Chi phí phát sinh khi mua hàng nhập khẩu thường là các chi phí sau:
Chi phí vận chuyển, bốc dỡ; Chi phí bảo quản hàng hóa; Các khoản hao hụt tự nhiên phát sinh trong qua trình nhập khẩu; Phí mở L/c …
Sau đây, mời các bạn theo dõi Ví dụ tính giá hàng nhập khẩu của Kế toán Hà Nội để hiểu rõ hơn.
Ví dụ Cách tính giá của hàng nhập khẩu.
Số liệu ví dụ để tính giá của hàng nhập khẩu:
Ngày 10/04/2019, Công ty Thanh Sơn nhập khẩu 1 lô hàng của công ty A&B từ Mỹ, cụ thể:
- Nhập khẩu 1.000 kg sữa bột của công ty A&B.
- Giá nhập khẩu tại cửa khẩu Việt Nam (CIF) 100.000 VNĐ/kg, Công ty đã thanh toán cho công ty A&B
- Chi phí mở L/C là 5.000.000 VNĐ.
- Mặt hàng này thuộc diện chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT. Trong đó: Thuế suất thuế nhập khẩu 20%; thuế tiêu thụ đặc biệt 30%; thuế GTGT 10%.
- Tiền vận chuyển từ cảng về đến công ty theo giá chưa có thuế GTGT 10.000.000 VNĐ. Hàng đã nhập kho đủ.
>>> Với số liệu trên Công ty Thanh Sơn tính Giá nhập kho của lô hàng nhập khẩu này như sau:
– Giá mua của lô hàng nhập khẩu (Ghi trên hóa đơn): 1.000 kg * 100.000 VNĐ/kg = 100.000.000 (VNĐ).
– Các loại thuế không được hoàn lại:+ Thuế nhập khẩu = 100.000.000 VNĐ * 20% = 20.000.000 (VNĐ).+ Thuế tiêu thụ đặc biệt = (100.000.000 + 20.000.000) VNĐ * 30% = 36.000.000 (VNĐ).
– Các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình mua hàng nhập khẩu:
+ Chi phí vận chuyển: 10.000.000 VNĐ.
+ Phí mở L/C: 5.000.000 VNĐ.>>> Giá nhập kho của lô hàng nhập khẩu = 100.000.000 + (20.000.000 + 36.000.000) + (10.000.000 + 5.000.000) = 171.000.000 (VNĐ).Trên đây, KẾ TOÁN HÀ NỘI đã hướng dẫn các bạn Cách tính giá của hàng nhập khẩu và Ví dụ minh họa Cách tính giá của hàng nhập khẩu. Cảm ơn các đã theo dõi.
Nguồn: ketoanhanoigroup.com