Phân tích thị trường đường 2022: Thái Lan giành lại thị phần
Đường Thái Lan dự kiến sẽ trở lại mạnh mẽ vào năm 2022 sau hai năm hạn hán liên tiếp, nhưng nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những thách thức về hậu cần..
Triển vọng vụ mùa của Thái Lan cho niên vụ tiếp thị 2021-22 (tháng 10/2021 - 9/2022) dự kiến sẽ cải thiện sau khi lượng mưa tăng trong tháng 9, và kỳ vọng về sản lượng trong năm từ 9,5 triệu tấn đến 11 triệu tấn.
"Điều kiện thời tiết năm nay tốt hơn nhiều. Trong thời kỳ trồng mía, chúng tôi thấy lượng mưa cao hơn khoảng 15% so với trước [năm ngoái] ở các vùng mía trọng điểm", một nhà phân tích cho biết.
S&P Global Platts Analytics ước tính sản lượng mía của Thái Lan cho năm tiếp thị 2021-22 là 95 triệu tấn và sản lượng đường là 10,5 triệu tấn. Xuất khẩu đường trong năm tiếp thị 2021-22 của Thái Lan được dự báo sẽ tang thêm 3,8 triệu tấn lên 7,5 triệu tấn.
Sự gia tăng nguồn cung có thể xuất khẩu từ Thái Lan trong năm tiếp thị 2021-22 do sản lượng cao hơn dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên phí bảo đảm đường HiPol của Thái Lan, và đã được phản ánh trong kết quả đấu thầu Giấy phép hạn ngạch xuất khẩu đường loại B gần đây của S&P Global Platts. Phí bảo đảm trung bình cho lô hàng từ tháng 3 đến tháng 5 cho niên vụ 2021-22 là H + 120 điểm so với H + 203 điểm cho niên vụ 2020-21.
Tương tự, phí bảo đảm trung bình cho lô hàng tháng 5-7 và lô hàng tháng 7-9 lần lượt là K + 137 điểm và N + 152 điểm cho niên vụ 2021-22, thấp hơn đáng kể so với niên vụ 2020-21, tương ứng là K + 241 điểm và N +261 điểm.
Vấn đề vận chuyển hàng hóa
Một nhà kinh doanh đường tinh luyện có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Đường tinh luyện được vận chuyển trong các container do các hãng vận tải vận chuyển nhưng kế hoạch của các hãng này phụ thuộc vào tắc nghẽn cảng và các mối lo ngại về hậu cần”.
"Phí bảo đảm sẽ không thay đổi nhiều với giao dịch kỳ hạn có giá quá cao và do đó vận chuyển hàng hóa sẽ có tác động chính đến giá CFR (Cost and Freight: giá hàng và giá cước) đến các điểm đến", nhà giao dịch nói thêm.
Một người mua đường tinh luyện cho biết: "Với giá vận tải container ở châu Á cao hơn hiện nay khoảng 3-4 lần, chúng tôi không muốn chấp nhận phí bảo đảm cao và cũng không có lý do gì để đảm bảo đường nếu không có lí do khẩn cấp, vì không có thâm hụt đường".
Các nhà kinh doanh đường thô cho biết việc giảm giá vận chuyển hàng rời đã hỗ trợ việc bán đường sang các nước nhập khẩu lớn như Indonesia. Giá cước vận chuyển hàng rời đã điều chỉnh khoảng 20% trong những tuần gần đây, với một chuyến hang chở bằng tàu cỡ nhỏ từ Thái Lan đến Indonesia ở mức 27,50 USD/tấn vào ngày 14/12 sau khi đạt mức cao nhất là 35 USD/tấn vào ngày 14/10.
Nhu cầu của Indonesia
Indonesia, quốc gia thường nhập khẩu hơn 2 triệu tấn đường thô mỗi năm từ Thái Lan, chỉ nhập 819.031 tấn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10, giảm khoảng 61% so với cùng kỳ năm trước theo số liệu của Thai Sugar Milling Corporation Limited.
Yếu tố góp phần vào sự sụt giảm là tiêu thụ đường ở Indonesia giảm do các hạn chế về di chuyển thời kỳ đại dịch Covid-19. Các lô hàng đường thô của Ấn Độ và Brazil xuất khẩu sang Indonesia cũng đóng một vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, các nguồn tin thị trường kỳ vọng đường Thái Lan sẽ lấy lại khả năng cạnh tranh xuất khẩu vào năm 2022.
Một nhà kinh doanh đường thô cho biết: “Thái Lan gần Indonesia hơn nhiều, vì vậy có những lợi thế về vận chuyển hàng hóa sẽ giúp xuất khẩu đường Thái Lan. Chênh lệch cước vận chuyển giữa Brazil và Thái Lan đến Indonesia là khoảng 30 USD/tấn, dựa trên dữ liệu của Platts.
Thái Lan cũng đã hạ mức tiêu chuẩn độ màu ICUMSA tối thiểu từ 1.000 đơn vị xuống còn 600 đơn vị đối với loại đường thô HiPol của nước này vào tháng 4. "Điều này sẽ cho phép đường Thái Lan cạnh tranh với đường Ấn Độ và Brazil vì chất lượng ngang bằng và tôi nghĩ rằng 50% nhu cầu của Indonesia sẽ được đáp ứng bằng đường từ Thái Lan vào năm 2022", một nguồn tin của nhà máy Thái Lan cho biết.
Chính phủ Indonesia vào đầu tháng 12 đã công bố khuyến nghị cấp phép nhập khẩu cho năm 2022. Theo các nguồn tin thị trường, các nhà máy tinh luyện đường sẽ nhận được hạn ngạch nhập khẩu 3,48 triệu tấn cho lô hàng từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2022, và 750.000 tấn đường sẽ được vận chuyển tới các nhà máy đường trong từ ngày 1/1 đến ngày 3/6/2022.
Thị trường Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ khi so sánh cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên là 320 ngàn tấn, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái (20 ngàn tấn).
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mức tăng từ 20 ngàn tấn lên 320 ngàn tấn so với cùng kỳ thực sự là hiện tượng không bình thường, và chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.
Vì vậy, VSSA cho rằng, đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 5 nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan.
Do được nhập từ 5 nước này, toàn bộ 320 ngàn tấn đường nhập khẩu nói trên chỉ phải chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng (nếu nhập trực tiếp từ Thái Lan) là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường.
Hương Lan
(Theo S&P Global)